Đặc sản tiêu rừng – “lộc trời” ở An Lão
Từ lâu, núi rừng An Lão được thiên nhiên ban tặng cho một loại cây có hương vị không thể lẫn vào bất kỳ mùi vị nào khác, đó là cây tiêu rừng. Những hạt tiêu ấy là đặc sản của núi rừng An Lão, là gia vị không thể thiếu trong các món ăn của đồng bào nơi đây.
Đặc sản tiêu rừng – “lộc trời” ở An Lão
Đi lấy tiêu rừng không chỉ kiếm thêm thu nhập cho bà con lúc rảnh, mà còn là thói quen, trở thành tập quán lâu đời từ xưa của người Hre nơi núi rừng An Lão. Tiêu rừng được bà con xem là thứ “lộc rừng” mà thiên nhiên ban tặng.
Vào mùa này, mặc dù có những cơn mưa cứ bất chợt ào ào trút xuống làm cho mỗi bước chân của người dân nơi núi rừng nơi đây dường như đi lại khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng sau khi mùa vụ đã đâu vào đó, cứ vào buổi sáng mỗi ngày, bà con trong thôn tranh thủ rủ nhau đi hái tiêu rừng. Bà con phải dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị cơm nắm, vật dụng cần thiết cho cuộc hành trình đi lên rừng lấy tiêu.
Chị Đinh Thị Yêm, xã An Vinh bộc bạch: Gia đình tôi hơn chục năm nay rồi, đến mùa này là đi hái tiêu thôi. Trong thôn vui như có hội vậy, mỗi buổi sáng chừng 5 giờ bà con lại rủ nhau từng nhóm 3 gia đình đi, khi tới chỗ có tiêu cũng đã 7 giờ, rồi từng gia đình chia ra cho dễ kiếm tiêu mà hái, tới chiều tối lại về cùng nhau. Đường lên núi khó đi, lúc về thì đã mệt, có nhiều hôm những cơn mưa dữ dội phải làm chòi để trú, vất vả lắm.
Tiêu rừng là loại cây cao to, cành cây dai nên chồng tôi trèo lên từng cành để lấy tiêu, còn tôi đứng dưới lượm những hạt tiêu rơi. Mỗi ngày vợ chồng tôi cũng hái được 5- 7 kg thôi, bữa nào may mắn cũng được 10 kg, với giá bán 50 - 60 nghìn đồng/kg. Cả ngày vất vả đi lấy tiêu cũng thu được từ 300 - 400 nghìn đồng, có khi đồng bào chúng tôi đem phơi khô rồi trữ trong ống tre khô để treo trên gác bếp. Làm như vậy sẽ giữ được quanh năm mà không bị bay mùi, với loại tiêu này nếu bị mọt sẽ không thể ăn được. Tiêu rừng là món quà mà núi rừng ban tặng và cũng là nghề truyền thống xưa nay của bà con đó.
Tâm sự với chúng tôi, anh Đinh Văn Pranh, thôn 3, xã An Vinh nói: Khi lớn lên đã được theo người thân vào rừng hái tiêu nên tôi biết nó rõ lắm, đến mùa là tôi rủ bà con trong thôn đi. Cây tiêu rừng nó khác với loài tiêu thường là không phải thân dây leo mà cây thân gỗ, có chiều cao khoảng 7 – 12m và đường kính lớn nhất khoảng 12 – 14cm, lá tiêu nhỏ, thân cây xanh trơn. Sau từ 2 – 3 năm cây cho quả vào khoảng tháng 4 đến tháng 6, quả tiêu rừng từ lúc non đến khi già đều có màu xanh, trông như cà phê. Mỗi cành có nhiều quả lắm, một cây tiêu rừng cho 4 – 7kg hạt. Tiêu rừng không mọc tràn lan như các loài cây khác, mà chúng mọc rất thưa, chủ yếu ở những sườn đồi mới có. Nhưng không vì thế mà dễ hái đâu, nó mọc xa nơi ở của bà con lắm và mọc chênh vênh nơi sườn đồi nên chỉ những thanh niên, người lớn có đi rừng nhiều mới dám đi hái thôi.
Với đồng bào Hre ở An Lão, tiêu rừng là loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, nó là một dòng chảy trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi núi rừng An Lão. Khi thưởng thức món cá bắt được ở suối về chiên vàng hoặc miếng thịt heo rừng, hay ăn thịt gà, thịt chim nướng… đều cần đến tiêu rừng.
Chỉ cần nêm một chút tiêu rừng vào món ăn nào thì món ăn đó có mùi riêng ngay và khử đi những mùi tanh của nó. Hương vị tiêu rừng cũng có vị cay nhẹ hơn ớt và tiêu thường, nhưng mùi thơm lại giống như mùi vị lá cây chanh, lá cây bưởi và nồng nàn như vỏ quả quýt, làm cho nó có sức tác động kỳ lạ.
Ngày nay, một số người ở đồng bằng cũng tìm mua bằng được loại gia vị này để dành chế biến món ăn, làm muối tiêu… Còn một số người mua về làm quà cho người ở xa, hay người ta trộn ít tiêu rừng vào tiêu thường để làm tăng thêm hương vị của tiêu.
Bà con mỗi khi đi rẫy không thể quên mang theo muối tiêu rừng do chính tay mình chế biến để ăn cùng cơm. Bởi vậy, với bà con những thứ khác có thể thiếu, hay quên mang đi chứ tiêu rừng thì không thể nào.